Bối cảnh lịch sử Cao_trào_kháng_Nhật_cứu_nước

Cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, phe Trục liên tục thất bại trước phe Đồng minh trên nhiều mặt trận. Tháng 8/1944, thủ đô Paris bị chiếm lại, chính phủ bù nhìn Vichy bị sụp đổ, chính phủ chống phát xít Đức của tướng Charles de Gaulle lên nắm quyền. Tại Đông Dương, lực lượng Pháp theo phái Charles de Gaulle hoạt động ráo riết.

Tối 9/3/1945, Nhật Bản tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngay trong đêm đó, Hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp khẩn tại Đình Bảng (Bắc Ninh).[1]

Sau khi độc chiếm Đông Dương, phát xít Nhật liền thi hành chính sách mua chuộc kết hợp với những chính sách đàn áp, khủng bố. Về chính trị, Đế quốc Nhật Bản dùng biện pháp tuyên bố "trao trả độc lập" cho chính phủ Đế quốc Việt Nam nhưng vẫn giữ nguyên bộ máy cai trị của Pháp và thay người Nhật vào vị trí người Pháp. Các đảng phái, tổ chức chính trị theo Nhật chống Việt Minh thừa dịp lập ra khắp nơi. Người Nhật dùng bộ máy tuyên truyền đồ sộ quảng bá tinh thần bài Pháp, theo Nhật. Mặt khác, họ huy động quân đội tấn công vào các chiến khu, các cơ sở cách mạng của Việt Minh.

Về kinh tế, Nhật Bản chiếm các cơ sở kinh tế của chế độ cũ, in giấy bạc mới tung ra thị trường, vơ vét tư liệu sản xuất, hàng hóa, lương thực và cướp đoạt tài sản của dân chúng; làm cho nền kinh tế Đông Dương bị kiệt quệ, cuộc sống người dân điêu đứng, cùng quẫn. Giá gạo ở Bắc Kỳ vào tháng 10/1944 còn là 1150 đồng/tạ, thì đến tháng 2/1945 đã là 1.000 đồng/tạ. Tình trạng đó đã dẫn đến nạn đói Ất Dậu 1945, làm gần 2 triệu người bị chết đói.[1]

Ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" trước sự kiện đế quốc Nhật Bản đảo chính thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Chỉ thị nhận định cuộc đảo chính đã làm cho điều kiện khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động cao trào kháng Nhật mạnh mẽ và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa; đồng thời thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ mới: thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã nhận định rằng mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện tổng khởi nghĩa ở Việt NamĐông Dương hiện nay chưa thật sự chín muồi. Vì:

  • Tuy hàng ngũ PhápĐông Dương hoang mang, tan rã đến cực điểm. Nhưng thế lực thống trị Nhật Bản về cơ bản vẫn ổn định.
  • Các tầng lớp nhân dân đứng giữa tất nhiên phải qua 1 thời kỳ chán ngán những kết quả tai hại của cuộc đảo chính của Nhật, lúc đó mới ngả hẳn về phe Việt Minh, mới quyết tâm giúp đỡ lực lượng khởi nghĩa.
  • Các lực lượng vũ trang vẫn còn lúng túng ở chỗ sửa soạn khởi nghĩa, chưa sẵn sàng chiến đấu, chưa quyết tâm hy sinh.

Tuy nhiên, chỉ thị đó cũng cho rằng có nhiều cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện tổng khởi nghĩa mau chín muồi. Cao trào kháng Nhật sẽ là một cuộc tổng dợt và tiền đề cho tổng khởi nghĩa.